Chóng mặt là từ chung chung, không cụ thể, dùng để diễn tả nhiều triệu chứng có liên quan như cảm thấy muốn xỉu, lâng lâng, buồn nôn, đuối sức hay mất thăng bằng. Nếu cảm thấy bản thân hay mọi thứ xung quanh đang xoay tròn, thì chính xác hơn, đó là chứng chóng mặt. Dù phổ biến và không hề dễ chịu nhưng chứng chóng mặt không nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Có nhiều cách điều trị chóng mặt tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những tín hiệu “đèn đỏ” cho thấy sự cần thiết phải can thiệp y tế.
Phần I. ĐIỀU TRỊ CHOÁNG VÁNG TẠI NHÀ
- Giảm lo lắng hay căng thẳng
Căng thẳng cao độ có thể làm thay đổi nhịp thở và lượng hoóc-môn trong cơ thể, dẫn đến chóng mặt hay cảm giác lâng lâng và buồn nôn. Một số chứng rối loạn lo âu nhất định như hoảng loạn hay ám ảnh sợ hãi cũng có thể gây chóng mặt. Nếu rơi vào những trường hợp này, hãy giảm căng thẳng và lo lắng trong cuộc sống hết mức có thể bằng cách bày tỏ cảm xúc và cố gắng giải quyết mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Việc giảm bớt gánh nặng tâm lý có thể sẽ giúp bạn kiểm soát chứng bệnh này.
+ Đôi khi các biện pháp như đổi công tác, giảm giờ làm, đổi thời gian biểu hay làm việc tại nhà nhiều hơn có thể giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng.
+ Những phương pháp điều trị căng thẳng tự nhiên có thể thực hiện tại nhà bao gồm thiền, yoga, thái cực quyền và hít thở sâu.
- Uống nhiều nước
Mất nước cấp tính hay mãn tính (dài hạn) cũng là nguyên nhân thường gặp của chứng chóng mặt, đặc biệt là cảm giác lâng lâng. Khi cơ thể thiếu nước — do nôn mửa hay tiêu chảy, sốt hay uống không đủ nước trong ngày nóng — máu trở nên đặc hơn và não không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết, dẫn đến chóng mặt. Hơn nữa, thiếu nước còn dẫn đến nóng quá mức (tăng thân nhiệt), một nguyên nhân phổ biến khác của tình trạng này. Nếu rơi vào trường hợp này, hãy uống nhiều nước hơn, đặc biệt là trong những ngày nóng ẩm, để cải thiện chứng chóng mặt .
+ Hướng đến mục tiêu 8 cốc lớn nước mỗi ngày (tổng cộng 2 lít) nếu hoạt động cường độ cao hoặc ở ngoài trời trong ngày nắng nóng.
+ Tránh dùng thức uống có cồn và đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà đen, soda có ga và nước tăng lực. Cồn và caffeine có tính lợi tiểu và do đó sẽ khiến bạn bài tiết nhiều hơn bình thường.
- Ăn thực phẩm dễ tiêu
Lượng đường trong máu thấp là một nguyên nhân phổ biến khác của choáng váng, cảm giác lâng lâng, đau đầu và ngủ lịm. Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, người uống quá nhiều Insulin, hay ở người bỏ bữa sáng và quá bận rộn để dùng những bữa còn lại trong ngày. Não cần một lượng Glucose nhất định trong máu để vận hành. Ở trường hợp này, hãy cân nhắc thay đổi lượng Insulin nạp vào (với sự cho phép của bác sĩ) nếu bị tiểu đường hoặc ăn thực phẩm mà dạ dày/ruột có khả năng tiêu hóa nhanh và theo dõi. Với nguyên nhân hạ đường huyết, tình trạng chóng mặt thường đi kèm đổ mồ hôi và thiếu tỉnh táo.
+ Trái cây tươi có vị ngọt (đặc biệt là Việt quất và Chuối chín), nước ép trái cây (đặc biệt là nước ép Nho hoặc Táo ngọt), Bánh mỳ trắng, Kem và Mật ong đều là những thực phẩm tốt, giúp làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
+ Trái lại, tình trạng liên tục có quá nhiều đường trong máu (tăng đường huyết) cũng có thể gây choáng váng thông qua mất nước và dư axít. Tăng đường huyết mãn tính thường xuất hiện ở bệnh nhân tiểu đường không được chẩn đoán/điều trị.
- Đứng dậy từ từ
Có thể nói, tình trạng bệnh lý hạ huyết áp tư thế đứng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến những cơn choáng váng ngắn hạn, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tình trạng này xuất hiện khi những người có huyết áp tương đối thấp (đặc biệt là chỉ số huyết áp tâm thu) đứng dậy quá nhanh từ một vị trí cố định hay khi đang ngồi. Khi đứng nhanh, động mạch không có đủ áp suất để kịp bơm máu lên não, và vì vậy não thiếu lượng oxy cần thiết trong một vài giây, dẫn đến choáng váng tạm thời hoặc cảm giác muốn xỉu. Nếu trường hợp này dường như đúng với bạn, hãy đứng dậy chậm rãi và nhớ bám vào vật cố định nào đó để giữ thăng bằng.
+ Nếu bạn đang ở tư thế nằm, hãy chuyển qua tư thế ngồi một lát trước khi đứng dậy.
+ Huyết áp thấp mãn tính có thể bắt nguồn từ việc uống quá nhiều thuốc huyết áp, thuốc giãn cơ hay giãn mạch, chẳng hạn như Viagra và những dược phẩm tương tự được dùng cho chứng rối loạn chức năng cương dương.
+ Vấn đề thần kinh ngoại vi, mất nước và nhiều loại thuốc khác cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tụt huyết áp.
- Ngủ nhiều hơn
Không ngủ đủ giấc, cả về chất lượng lẫn số lượng, là nguyên nhân tiềm tàng khác của chứng chóng mặt, tình trạng não sương mù và mất cân bằng tổng thể. Mất ngủ kinh niên liên quan đến căng thẳng cường độ cao, cao huyết áp, trầm cảm, tiểu đường và bệnh tim mạch. Tất cả đều có thể gây choáng váng ở mức độ khác nhau. Giấc ngủ bị đứt quãng có thể liên quan đến chứng lo âu kinh niên, chấn thương tâm lý / cảm xúc, đau mãn tính, sử dụng caffein, lạm dụng thuốc, hội chứng chân không yên và nhiều vấn đề khác như ngủ rũ và ngừng thở khi ngủ (ngáy nặng). Trong trường hợp này, hãy tắt ti vi, máy tính và lên giường sớm hơn, đồng thời, tránh dùng đồ uống có caffein (cà phê, trà đen, soda sủi bọt) ít nhất 8 giờ trước khi đi ngủ.
+ Ngủ muộn vào cuối tuần hoàn toàn ổn và có thể giúp bạn nghỉ ngơi và/hoặc ít chóng mặt hơn, nhưng bạn sẽ không thể “bù đắp” được thời gian ngủ thiếu trong tuần.
+ Những liệu pháp hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên có thể được dùng ngay trước khi đi ngủ bao gồm trà hoa cúc, chiết xuất rễ cây nữ lang, magiê (giúp thư giãn cơ bắp) và melatonin (hoóc-môn điều tiết giấc ngủ và nhịp sinh học).
- Tránh chấn thương đầu
Chấn thương đầu từ tai nạn xe và các môn thể thao đối kháng là nguyên nhân phổ biến của tổn thương não từ mức nhẹ đến trung bình, thường được gọi là đụng dập hay chấn động não. Triệu chứng chính của chấn động não bao gồm choáng váng đi kèm đau đầu âm ỉ, buồn nôn, tình trạng não sương mù và có tiếng chuông trong tai. Chấn thương đầu có xu hướng cộng dồn, nghĩa là tình trạng này sẽ trở nên tệ hơn với mỗi lần bị chấn thương và tích lũy qua thời gian. Do đó, hãy cố giảm rủi ro hay tai nạn dẫn đến “chuông reo”.
+ Các môn thể thao như quyền Anh, bóng đá, bóng bầu dục và hockey trên băng có rủi ro chấn thương đầu đặc biệt cao.
+ Luôn thắt dây an toàn khi lái xe (phòng ngừa chấn thương cổ nghiêm trọng) và tránh những hoạt động làm di chuyển mạnh đầu và cổ như bật nhảy lò xo, nhảy bungee hay chơi tàu lượn siêu tốc.
Phần I. TÌM SỰ CAN THIỆP Y TẾ
- Hỏi bác sĩ tác dụng phụ và sự tương tác của thuốc
Trên thực tế, hầu hết thuốc (cả kê đơn và không kê đơn) đều liệt kê triệu chứng chóng mặt trong danh sách tác dụng phụ của chúng. Tuy nhiên, triệu chứng này đặc biệt phổ biến ở một số loại thuốc nhất định. Cụ thể là, thuốc huyết áp, lợi tiểu, an thần, chống trầm cảm, giảm đau mạnh và một số thuốc kháng sinh gần như sẽ gây chóng mặt. Dù vậy, hãy hỏi bác sĩ để biết liệu có thuốc hay tổ hợp thuốc nào trong số bạn đang dùng có khả năng là thủ phạm gây chóng mặt hay không.
+ Đừng bao giờ dừng uống thuốc theo kiểu “cai nghiện” mà không có sự giám sát của bác sĩ, kể cả khi bạn tin rằng đó là nguyên nhân gây choáng váng. Hãy dần dần ngừng và/hoặc chuyển sang loại thuốc khác có tác dụng tương tự.
+ Do tính phức tạp của sự tương tác hóa học trong cơ thể, trên thực tế, việc dự đoán tương tác của từ 3 dược phẩm trở lên là bất khả thi.
- Hãy trao đổi với bác sĩ triệu chứng cảm cúm
Tác nhân gây cảm cúm chủ yếu là vi-rút đường hô hấp. Do đó, hầu hết triệu chứng đều liên quan đến phổi, họng, xoang và tai trong. Trong trường hợp này, sự tích tụ của chất nhầy và các chất lỏng khác có thể làm tắc nghẽn đường thở và/hoặc tai trong, dẫn đến choáng váng và mất thăng bằng. Nếu điều này đúng với bạn, bạn chỉ cần chờ vài ngày cho hết bệnh, giữ cơ thể đủ nước và làm sạch xoang bằng cách nhẹ nhàng xì ra khăn hoặc rửa với nước muối ấm.
+Bịt mũi và thở mạnh là một cách thông vòi nhĩ hẹp nối từ họng đến tai giữa. Vòi nhĩ duy trì sự cân bằng áp suất ở hai bên màng nhĩ và tình trạng choáng váng hay thăng bằng kém thường là kết quả của sự tắc nghẽn ở bộ phận này.
+ Những trường hợp khác thường dẫn đến choáng váng bao gồm dị ứng, đau nửa đầu và thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp).
- Kiểm tra huyết áp
Như đã đề cập, cả huyết áp thấp (hạ huyết áp) và huyết áp cao (cao huyết áp) đều có thể gây chóng mặt. Do đó, hãy để bác sĩ kiểm tra chỉ số của bạn. Nhìn chung, huyết áp nên dưới 120 (tâm thu) và trên 80 (tâm trương). Trong hai trường hợp trên, cao huyết áp nguy hiểm hơn và đôi khi là triệu chứng của bệnh tim. Trên thực tế, những vấn đề về tim nguy hiểm nhất như bệnh cơ tim (cơ tim bị nhiễm bệnh), suy tim xung huyết và rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) là nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp và làm tăng đáng kể nguy cơ choáng váng mãn tính và tái choáng váng.
+ Nếu bị đau tim hay đột quỵ nhẹ, máu lên não ít hơn và gây choáng váng cũng như một số triệu chứng khác. Bác sĩ có thể sẽ tiến hành điện tâm đồ (ECG) để loại trừ khả năng đau tim.
+ Thật không may, thuốc hạ huyết áp lại là nguyên nhân gây choáng váng phổ biến.
- Xét nghiệm đường huyết
Như đã đề cập, cả hạ đường huyết lẫn tăng đường huyết đều có thể dẫn đến chóng mặt. Nếu bạn bị tiểu đường và hạ đường huyết, bác sĩ có thể điều chỉnh giảm lượng Insulin nạp vào của bạn. Tăng đường huyết có thể là dấu hiệu của việc mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ có thể cho bạn xét nghiệm đường huyết, tức là xét nghiệm đo lượng Glucose — nguồn năng lượng chính của não và hầu hết các tế bào khác trong cơ thể. Mức thông thường nằm ở khoảng 70-100 mg/dL.
+ Ăn nhiều đường tinh luyện cũng có thể dẫn đến tăng đường huyết tạm thời (được biết đến với tên gọi Sugar Rush) và gây choáng váng.
+ Bạn có thể mua một máy đo đường huyết để dễ dàng theo dõi chỉ số lượng đường trong máu của mình tại nhà. Thông thường, nếu không nhịn ăn uống, kết quả đo được nên ở mức dưới 125 mg/dL.
- Khám tai
Nếu tình trạng của bạn gây khó khăn đáng kể trong sinh hoạt hàng ngày và gây cảm giác mọi thứ xoay tròn, có lẽ là bạn bị chóng mặt. Đó có thể là chóng mặt tư thế lành tính (cảm giác xoay tròn xuất hiện khi di chuyển đầu), chóng mặt do viêm mê đạo (nhiễm trùng tai trong) hay bệnh Meniere (tai trong trữ nước). Ở đây, chóng mặt là kết quả của sự thay đổi trong cơ chế thăng bằng ở tai trong (hệ thống tiền đình) hoặc ở sự kết nối giữa cơ chế này với não. Tóm lại, khi đứng yên, hệ thống tiền đình vẫn cho rằng bạn đang di chuyển và tạo cảm giác xoay tròn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tình trạng chóng mặt thường tự hết nhờ khả năng điều chỉnh của cơ thể với bất kỳ nguyên nhân nào đứng sau chúng.
+ Chóng mặt lành tính do tư thế thường do sỏi ở tai trong di chuyển và kích thích ống bán khuyên.
+ Đôi khi chứng chóng mặt có thể trầm trọng đến mức gây buồn nôn, nôn mửa, đau đầu và mất thăng bằng vài giờ mỗi đợt.
- Gặp chuyên viên thần kinh cột sống hoặc nắn xương
Họ là những chuyên gia về cột sống và thiết lập chức năng cũng như chuyển động thông thường của khớp cột sống nhỏ (khớp xương nhỏ) liên kết các đốt sống. Một nguyên nhân khá phổ biến của choáng váng và chóng mặt là kẹt / lệch / giảm chức năng khớp sống cổ trên, điển hình là vị trí tiếp nối với hộp sọ. Nắn khớp bằng tay, hay còn gọi là điều chỉnh, có thể được sử dụng để gỡ kẹt hay định vị lại khớp xương nhỏ bị lệch nhẹ. Thông thường, bạn có thể nghe thấy tiếng “bốp” khi điều chỉnh cột sống.
+ Mặc dù đôi khi chứng choáng váng hay cảm giác chóng mặt có thể hết hoàn toàn chỉ với một lần điều chỉnh (nếu chúng liên quan đến vấn đề ở cổ trên), thông thường, phải cần từ 3-5 lần điều chỉnh để có kết quả rõ rệt.
+ Viêm khớp ở phần cổ trên, đặc biệt là viêm thấp khớp, có thể dẫn đến những cơn choáng váng mãn tính.
LỜI KHUYÊN
+ Người lớn tuổi dễ mắc bệnh lý dẫn đến tình trạng choáng váng, và đồng thời cũng thường dùng thuốc gây choáng váng hơn.
+ Tránh lái xe hay điều khiển máy móc hạng nặng trong trường hợp thường xuyên bị choáng váng hay có cảm giác lâng lâng.
+ Nếu bạn bị chóng mặt, hãy tránh caffeine, đồ uống có cồn và thuốc lá. Chúng có thể khiến tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
+ Nếu cảm thấy buồn nôn vì choáng váng, bạn nên chuẩn bị xô hay vật tương tự bên cạnh để đề phòng trường hợp cần nôn mửa.
+ Tập yoga, đặc biệt là những tư thế đặt đầu thấp dưới sàn. Máu được chuyển đến não sẽ giải tỏa cảm giác choáng váng nếu tuần hoàn kém hay huyết áp thấp là nguyên nhân gây bệnh.
+ Nếu thấy hơi choáng váng, hãy cố tránh xa và không nhìn vào màn hình.
CẢNH BÁO
+ Nếu bị choáng váng nặng (dẫn đến suy giảm thị giác nghiêm trọng, nôn mửa hay ngất xỉu), hãy tìm đến chăm sóc y tế ngay lập tức.
+ Trao đổi với bác sĩ nếu những đợt choáng váng đến nhiều hơn bình thường bởi đó có thể là biểu hiện của vấn đề tim mạch nghiêm trọng.
Theo https://www.wikihow.vn/Vượt-qua-chứng-Choáng-váng-chóng-mặt